Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Nguyễn An Khương

Tiểu sử

Nguyễn An Khương sinh năm 1860, nguyên quán Bình Định, sau cư ngụ ở Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM). Xuất thân là nhà nho, sống trong gia đình có học và gia giáo lại giỏi nghề làm thuốc Đông y nên ông Khương sớm tinh thông y học, Hán học và chữ Quốc ngữ. Ông mở trường dạy học cho trẻ em tại thị xã Tân An và cùng em trai là Nguyễn An Cư dùng y tài chữa bệnh cho người nghèo ở đất Hóc Môn, kể cả các chiến sĩ cách mạng. 

Danh tiếng và tài năng của Nguyễn An Khương lọt vào “mắt xanh” của Trương Dương Lợi - một địa chủ giàu có ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ông Lợi có 10 người con, trong đó bà Trương Thị Ngự là người con gái được ông Lợi yêu thương nhất. Bà Ngự nhan sắc không nổi trội nhưng nết tháo vát, đảm đang nổi tiếng ở xứ Cần Giuộc. Cảm kích danh tiếng về văn chương và đức độ của Nguyễn An Khương, ông Lợi đã gả bà Trương Thị Ngự cho ông.  

Vợ chồng ông Khương có với nhau 4 người con là Nguyễn An Thái, Nguyễn An Thường, Nguyễn Thị Năng và Nguyễn An Ninh. Cả 3 người con đầu đều mất sớm, còn lại người con trai út Nguyễn An Ninh - một nhà báo, nhà cách mạng nổi tiếng đất Nam Kỳ, thần tượng của thanh niên An Nam đầu thế kỷ XX và là chủ bút tờ báo Chuông Rè.

Khởi nghiệp

Năm 1899, ông Khương đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp, thuê 2 căn nhà liền nhau trên đường Kinh Lấp (nay là đường Nguyễn Huệ). Sống cùng gia đình ông Khương còn có chị gái ông là bà Nguyễn Thị Xuyên. Bà Xuyên nấu ăn ngon, giỏi may vá, khi cha mất sớm đã từng nguyện không lấy chồng, ở vậy suốt đời phụng dưỡng mẹ già và lo cho hai em trai.

Đầu thế kỷ XX, đường Kinh Lấp (sau đổi thành đại lộ Charner) nằm giữa hai con đường sang trọng là Catinat (Đồng Khởi ngày nay) và de la Somme (Hàm Nghi) với hàng loạt công ty, cửa hàng thuộc ngoại kiều như người Hoa, người Ấn và người Pháp. Các tiệm vải sang trọng thuộc chủ người Ấn, các quán ăn thuộc chủ người Hoa, còn khách sạn hầu hết của các ông chủ người Pháp. 

Gia đình ông Khương mở một tiệm may nhỏ lấy tên Chiêu Nam Lầu, do bà Xuyên cùng em dâu là bà Ngự điều hành. Cái tên Chiêu Nam Lầu do hai bà đặt có ngụ ý sâu xa là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Việt Nam, nơi gặp gỡ anh hùng hào kiệt cả nước, nơi tá túc của những nhà yêu nước Bắc, Trung lưu lạc vào Nam, nơi giúp đỡ phương tiện, tiền bạc cho những thanh niên yêu nước xuất dương trong phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục.

Nhờ tài may quần áo của bà Xuyên và bà Ngự, danh tiếng của tiệm may Chiêu Nam Lầu ngày càng lan rộng, đến mức vua Thành Thái trước ngày bị lưu đày sang đảo Reunion đã bí mật đến may cả chục chiếc áo dài gấm. Số lượng khách đặt may ngày càng nhiều, phần lớn là các điền chủ, thương gia từ Lục tỉnh lên Sài Gòn. Thấy họ có nhu cầu nghỉ đêm, ông Nguyễn An Khương cho sửa chữa các phòng tầng trên làm khách sạn.

Từ một tiệm may nhỏ, Chiêu Nam Lầu ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh. Dưới sự quản lý và điều hành của gia đình ông Khương, Chiêu Nam Lầu nhận được sự mến mộ trong giới điền chủ, thương gia khắp Lục tỉnh và vùng Sài Gòn - Chợ Lớn nên sớm phát đạt, nổi tiếng khắp Nam Kỳ. 

Mở rộng hoạt động kinh doanh

Chiêu Nam Lầu trở thành điểm dừng chân và tá túc của rất nhiều người Việt và trở thành khách sạn đầu tiên do người Việt quản lý và điều hành trên đất Sài thành, nơi có những món ăn Nam Bộ được nhiều người Lục tỉnh khen ngợi.

Không chỉ giới điền chủ, thương gia, nhiều nhà yêu nước, những trí thức tiến bộ cũng thường lui tới Chiêu Nam Lầu và kết bạn với Nguyễn An Khương. Trong số đó phải kể đến Trần Chánh Chiếu - điền chủ Rạch Giá, lãnh đạo phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ, chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn; ông Nguyễn Thần Hiến - điền chủ Cần Thơ, nhà cách mạng tiên phong của phong trào Đông Du ở miền Nam. Đến năm 1900, ông Khương được Trần Chánh Chiếu mời cộng tác trên hai tờ báo của ông.

Tuy là một nhà nho tham gia kinh doanh, ông Khương cùng Trần Chánh Chiếu đã thay đổi tư duy kinh tế của người Việt. Theo nhà văn Sơn Nam, ông Khương đã “quyết rửa hổ, không sợ mang danh chú bán cơm” bằng việc viết bài quảng cáo mô tả hoạt động của Chiêu Nam Lầu trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 8 (ngày 2/1/1908) như sau:

Tiệm này có 3 từng (tầng - TG), từng dưới thì bán cơm canh, cá thịt nấu theo cách An-nam và cách Tàu, lại có bán trà phe (cà phê) bánh mì, bánh bao và các thứ bánh điểm tâm, từng giữa thì các vật trân tu mĩ vị nấu theo cách An-nam và cách Tàu... các thứ bánh Tàu, bánh An-nam và trà ngon đặng cho liệt vị điểm tâm lúc sớm mai và giải muộn lúc ban trưa, còn từng trên chót thì dọn phòng ngủ đặng cho các vị phương xa đến đó mà nghỉ”.

Vào những năm 1907-1908, trong bối cảnh phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu phát động lan rộng khắp Nam Kỳ, các khách sạn do người Việt thành lập học theo Chiêu Nam Lầu của Nguyễn An Khương xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, Chiêu Nam Lầu cùng với Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho và Nam Trung khách sạn trên đường Amiral Krantz (nay là đường Hàm Nghi), Sài Gòn là 3 khách sạn nổi tiếng nhất xứ Nam Kỳ do người Việt điều hành. Đây là 3 cơ sở kinh doanh và hoạt động cách mạng nổi tiếng với tổ hợp phòng nghỉ và nhà hàng (Nam Trung khách sạn và Minh Tân khách sạn) và tổ họp phòng nghỉ, nhà hàng và tiệm may (Chiêu Nam Lầu), trực tiếp cạnh tranh với các tiệm ăn của người Ấn, người Hoa và các khách sạn của người Pháp tại Sài Gòn và Mỹ Tho.

Bộ ba Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến đã đưa Chiêu Nam Lầu trở thành cơ sở kinh doanh của phong trào Đông Du và là nơi hội họp, đưa rước các thanh niên xuất dương sang nhiều nước học tập từ năm 1904. Theo nghiên cứu của Nguyễn Hiến Lê: “Cụ Khương có hai người em gái cũng nhiệt tâm với quốc sự và đều có tên là cô Năm: cô Năm ta em ruột của cụ, quản lý Chiêu Nam Lầu ở đường Kinh Lấp cũ, sau đổi là đường Charner, bây giờ là đường Nguyễn Huệ; và cô Năm tây (chắc là em họ của cụ) có tiệm may ở đường Espagne (Lê Thánh Tôn), chồng là ông Perrot, một người Pháp có chân trong hội Tam Điểm (Franc maconerie)”.

Khi Sào Nam Phan Bội Châu bí mật vào Sài Gòn, cụ đã tá túc ở Chiêu Nam Lầu, ông Khương đã tổ chức cho cụ Phan gặp gỡ nhiều điền chủ yêu nước như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến. Thông qua cuộc gặp gỡ này, một đường dây bí mật đưa những người yêu nước xuất dương sang Nhật Bản học về kỹ thuật quân sự, số ít sang Trung Quốc mua vũ khí được hình thành tại Chiêu Nam Lầu. 

Cụ Phan Chu Trinh cũng từng tá túc tại Chiêu Nam Lầu một thời gian sau khi rời Pháp về Việt Nam cùng Nguyễn An Ninh vào tháng 6/1925. Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh kết thân với ông Khương và qua đời tại Chiêu Nam Lầu tối ngày 24/3/1926 ở tuổi 54. Cụ Nguyễn Sinh Huy (Sắc) cũng từng ở Chiêu Nam Lầu và được ông Khương giúp đỡ tiền bạc. Đáng chú ý nhất là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng từng đến trọ tại Chiêu Nam Lầu. Theo Nguyễn Hiến Lê: “Bà Perrot lúc đó góa chồng, sống với hai người con trai đều có Pháp tịch. Bà đón Kỳ Ngoại Hầu về ở Chiêu Nam Lầu, rồi mướn ghe đưa Hầu xuống Mỹ Tho, lên Tân Châu” Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr.129. Ngoài ra, những ai muốn tìm đường Đông Du mà gặp khó khăn về tiền bạc, đều được Chiêu Nam Lầu giúp đỡ nhiệt tình. 

Đóng góp cho xã hội

Là một người có tinh thần yêu nước, ý chí phụng sự quốc gia dân tộc, Nguyễn An Khương đã tích cực tham gia hoạt động yêu nước. Bên cạnh sự giúp đỡ tài chính cho các phong trào như phong trào Đông Du, phong trào Minh Tân, ông Khương còn tham gia vào hoạt động báo chí. Thông qua sự quen biết với Trần Chánh Chiếu, ông tích cực viết các bài báo hô hào mở mang buôn bán, chống những phong tục hủ bại, hô hào dân Việt đoàn kết, tương thân tương ái và đồng thời nhận việc quản lý và trở thành một trong những cây bút chủ lực của báo Nông cổ mín đàmLục tỉnh tân văn.

Hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu phát động, dưới sự quản lý của Nguyễn An Khương, Nông cổ mín đàmLục tỉnh tân văn trở thành những tờ báo kinh tế nổi tiếng của xứ Nam kỳ xưa và là tiếng nói cho giai cấp tư sản Nam kỳ đang dần định hình và phát triển trong công cuộc tranh thương với các thế lực ngoại kiều và phát triển kinh tế nước nhà.

Bề ngoài, Nguyễn An Khương là người rất dè dặt và khéo biết cách che mắt người Pháp. Ông thường dịch các truyện Tàu như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Phấn Trang Lầu… và cũng làm trợ bút cho tờ báo Nông cổ mín đàm. Nhưng các việc ấy chỉ là tấm bình phong che mắt thực dân Pháp và đám tay sai của chúng. Bên trong, ông âm thầm tài trợ cho các chiến sĩ yêu nước bằng tài chính của Chiêu Nam Lầu, cổ vũ các phong trào cải cách xã hội, chấn hưng kinh tế bằng các bài báo do chính ông viết đăng trên Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Những ý tưởng của ông được đăng tải trên báo được công luận mến mộ, nhất là giới sĩ phu yêu nước khắp ba miền.

Bà Trương Thị Ngự, vợ ông Khương cũng cùng chồng tham gia ủng hộ các phong trào yêu nước. Bà Ngự thường phải thức khuya, dậy sớm để quản lý công việc kinh doanh của Chiêu Nam Lầu. Bà lặng lẽ gánh lấy các công việc nặng nhọc, sống tiết kiệm, lo cho chí lớn của chồng. Tiền kinh doanh của Chiêu Nam Lầu, bà dành cho việc in sách, in tài liệu tuyên truyền phong trào Đông Du, tổ chức xuất dương.

Nguyễn An Khương nhận chức quản lý tờ Lục tỉnh tân văn đến tháng 4/1908 thì từ chức. Theo Lục tỉnh tân văn, số 22 (10/4/1908), ông Khương cho biết: “Bây giờ tôi có bịnh coi sóc việc ấy không nổi, nên phải xin từ mà giao cho Mousieur Võ Đức Trang, kể từ ngày 10/4/1908".

Cuối tháng 10/1908, phong trào Đông Du ở Nam Kỳ bị thực dân Pháp phát hiện, thực dân Pháp đã bắt giam Trần Chánh Chiếu và 91 người có liên quan đến phong trào Minh Tân, trong đó có Nguyễn An Khương sau khi mật thám Pháp thu thập được một số bằng chứng về mối quan hệ giữa Trần Chánh Chiếu với phong trào Đông Du.

Trong khi Trần Chánh Chiếu bị cầm tù, Nguyễn An Khương được thả về nhưng ông Khương bị chính quyền thực dân cấm không được làm báo. Năm 1911, bà Ngự do sức khỏe suy kiệt sau nhiều biến cố của chồng đã qua đời ở tuổi 38. Ông Khương đau lòng do mất vợ, thêm vào đó là tình trạng sức khỏe yếu, đi đứng khó khăn do tai biến nên không muốn ở lại Chiêu Nam Lầu nữa. Ông Khương giao lại toàn bộ công việc kinh doanh, quản lý Chiêu Nam Lầu cho bà Nguyễn Thị Xuyên rồi dời về Trung Chánh, Hóc Môn sinh sống.

Chiêu Nam Lầu tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của bà Xuyên nhưng không còn phát triển mạnh như trước do phong trào Đông Du dần lắng xuống và sự theo dõi chặt chẽ của mật thám Pháp. Đến những năm 1925-1926, trong cao trào của các cuộc biểu tình đòi ân xá Phan Bội Châu, trả tự do cho Nguyễn An Ninh, để tang Phan Chu Trinh… Chiêu Nam Lầu một lần nữa trở thành điểm hẹn của rất nhiều người tham gia. Chính việc này đã trở thành cái cớ cho chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa khách sạn do là nơi chứa chấp những người chống đối nhà nước. Bà Xuyên phải bán hết tài sản, đóng của Chiêu Nam Lầu rồi về Hóc Môn chăm sóc ông Khương. Từ đây, khách sạn Chiêu Nam Lầu vang bóng một thời trên đất Sài thành đã ngừng kinh doanh vĩnh viễn.

Những năm cuối đời

Về phần Nguyễn An Khương, những năm cuối đời ông Khương phải đối mặt với tình hình sức khỏe giảm súc do tai biến mạch máu não, khiến ông liệt nửa người. Do hiểu rõ kiến thức Đông Y, ông Khương đã tự bóc thuốc chữa bệnh nên không bị bại liệt nhưng hai chân trở nên yếu đi, khó đi lại. Phần lớn thời gian còn lại, ông nằm ở nhà tiếp tục dịch sách và chuẩn bị cơ ngơi cho Nguyễn An Ninh sau này. Ông Nguyễn An Khương tạ thế ngày 2/2/1931 ở tuổi 71, phần mộ của vợ chồng ông Khương hiện tọa lạc trong khu Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh thuộc phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Con trai ông Khương là nhà báo, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nối chí nguyện của cha tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng, đấu tranh đòi quyền tự do cho dân tộc, là người sáng lập của Thanh niên Cao vọng Đảng và là chủ bút tờ báo Chuông rè đã trở thành hình mẫu và thần tượng của thanh niên An Nam đầu thế kỷ XX trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt vào tháng 10/1939, nhận mức án 5 năm tù lưu đày tại Côn Đảo. Ông qua đời tại Côn đảo ngày 14/8/1943, hưởng dương 43 tuổi, hai năm trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam được độc lập.

Triết lý kinh doanh

 

 

Thành tựu

Nguyễn An Khương là người Việt đầu tiên kinh doanh khách sạn tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX.

Ông Khương là tác giả của nhiều tác phẩm dịch thuật như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Vạn huê lầu diễn nghĩa, Phấn Trang Lầu, Chinh Đông, Chinh Tây…

Nguyễn An Khương là người có lòng yêu nước nồng nàn, ông truyền tinh thần yêu nước của mình cho con cái nhất là Nguyễn An Ninh. Theo sách Gia Định xưa của Huỳnh Minh, trước khi ông Ninh sang Pháp học, ông Nguyễn An Khương đã bắt con thề tại Lăng Ông Bà Chiểu rằng: "Phải luôn giữ tiết, không vì bả vinh hoa mà đổi lòng đổi chí, phản bội quê hương và nòi giống".

Nhà báo, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nối chí nguyện của cha tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng, đấu tranh đòi quyền tự do cho dân tộc, là người sáng lập của Thanh niên Cao vọng Đảng và là chủ bút tờ báo Chuông rè đã trở thành hình mẫu và thần tượng của thanh niên An Nam đầu thế kỷ XX trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt vào tháng 10/1939, nhận mức án 5 năm tù lưu đày tại Côn Đảo. Ông qua đời tại Côn đảo ngày 14/8/1943, hưởng dương 43 tuổi, hai năm trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam được độc lập.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tên Nguyễn An Khương hiện được dùng để đặt tên cho một trường học ở Hóc Môn và một đường phố ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.